Địa chỉ: 16 Nguyễn Huy Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Địa chỉ: 16 Nguyễn Huy Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ

Nguồn gốc người Thổ Nhĩ Kỳ

Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Có tài liệu cho rằng sự hiện diện của các cộng đồng người Thổ đã được biết tới từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên và được xác định dựa trên cơ sở là những người thuộc cùng một nhóm ngôn ngữ hệ Uralo-Altaic, sinh sống tại khu vực quanh dãy núi Kogmen. Theo các tài liệu cổ của người Trung Quốc thì sự tồn tại của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ dưới dạng các tổ chức xã hội có kết cấu chính trị chặt chẽ tại các vùng lãnh thổ Trung Á đã được ghi nhận từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên với tên gọi là nhóm người Huns (Xiongnu).

đế chế gokturk trước kia
Diện tích đế chế Gokturk của người Thổ Nhĩ Kỳ ngày trước

Nhóm cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ này sau đó đã thành công trong việc thiết lập một vương quốc rộng lớn dưới sự trị vì của vua Mete (còn gọi là Đại hãn Mete), đã đánh bại người Mông Cổ và người Yuechis để thành lập một quốc gia nằm ngay sát cửa ngõ phía Tây của Trung Quốc. Sau khi Đế chế Hun châu Á (the Asian Hun Empire) tan rã, Đế chế Gokturk đã được thành lập vào năm 552 tại khu vực phía Đông của dãy núi Altai và lần đầu tiên, quốc gia này đã sử dụng từ “Turk” để đặt Quốc hiệu chính thức. Trong thời kỳ này, lịch sử đã ghi nhận và biết tới hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ là Bilge Khagan và Kul Tegin.

Các quốc gia của người Thổ Nhĩ Kỳ

Trong suốt giai đoạn lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thế kỷ sau đó, nhiều nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã nối tiếp nhau ra đời, chẳng hạn như nhà nước Uigurs thành lập năm 714 sau nhà nước Gokturk. Quốc gia Tây Huns (West Huns) – nhà nước kế thừa của Đế chế Huns châu Á ra đời và người dân quốc gia này định cư chủ yếu tại khu vực quanh hồ Aral và sau đó tiếp tục di cư tới khu vực bờ tây sông Volga. Năm 434, Attila chiếm quyền kiểm soát Đế chế Tây Huns và thành lập nhà nước của người Thổ đầu tiên tại châu Âu. Kể từ thời điểm này, sự hiện diện của các nhà nước của người Thổ tiếp tục được ghi nhận tại châu Âu và người Thổ tăng cường sự hiện diện, phát triển về mặt dân tộc và văn hóa, ngôn ngữ từ thế kỷ X trở đi. Cùng với sự biến động của lịch sử, các nhà nước của người Thổ liên tiếp được tạo lập, tan vỡ rồi lại được tạo lập trở lại và xét về tổng thể, cộng đồng người Thổ đã nhanh chóng tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực và mở rộng quyền kiểm soát tới các vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ châu Á sang châu Âu.

đế chế uighur của người thổ nhĩ kỳ
Đế chế Uighur – từng là nỗi sợ hãi của châu Âu

Đến năm 840, sau khi nhà nước Uigur của người Thổ tan vỡ, nhà nước Karakhanid đã được thành lập và Hồi giáo trở thành tôn giáo chính thức của vương quốc này trong thời kỳ trị vì của quốc vương Satuk Bugra Khan. Thời kỳ của vương quốc Karakhanid đã đánh dấu một mốc phát triển quan trọng tạo nên nhận dạng nhà nước của người Thổ, đồng thời cũng thể hiện rõ các đặc điểm căn bản của nền văn hóa, văn minh Hồi giáo – Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời kỳ phát triển của vương quốc Karakhanid, một nhà nước khác của người Thổ là Ghaznavid cũng đã được thành lập và tồn tại trong giai đoạn từ năm 969 đến năm 1187 với kinh đô là thành phố Ghazna thuộc Afganistan hiện nay. Nhà vua Mahmud đóng đô tại Ghazna lần đầu tiên đã sử dụng danh hiệu “Sultan” là danh hiệu chính thức của nhà nước Hồi giáo, chỉ người lãnh đạo cao nhất của quốc gia cả về thần quyền và thế quyền. Sultan Mahmud đã tiến hành hàng loạt các chiến dịch quân sự tại Ấn Độ và nhanh chóng Hồi giáo hóa các vùng lãnh thổ chiếm được trong đó có một bộ phận lãnh thổ quan trọng được Hồi giáo hóa và trở thành nhà nước Pakistan hiện nay. Cùng với sự ra đời của các nhà nước Thổ, Hồi giáo đã nhanh chóng phát triển và mở rộng ảnh hưởng tại các vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Đông Âu sang Trung Á, Bắc Phi. Các Sultan Seljuks người Thổ đã mở rộng lãnh thổ tại khu vực Trung Đông, chiếm kinh thành Baghda của người Shiite dưới sự trị vì của Caliph Abbasid vào năm 1055. Kể từ thời điểm này, vai trò của người Thổ đã có địa vị thống trị trên toàn khu vực rộng lớn và lãnh đạo nhà nước người Thổ được biết tới với cái tên Sultan toàn thế giới (Sultan of the World), nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một chế độ Caliphate do Caliph lãnh đạo. Đây là những tiền đề quan trọng tạo nên sự hùng mạnh của Đế chế Ottoman ra đời trong giai đoạn sau.

Đế chế Ottoman và giai đoạn cực thịnh của người Thổ Nhĩ Kỳ

Sự ra đời của Đế chế Ottoman (1299 – 1923) đánh dấu thời kỳ phát triển cực thịnh của người Thổ Nhĩ Kỳ. Đế chế Hồi giáo rộng lớn này đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại với nhiều ảnh hưởng lớn trên toàn bộ khu vực Á – Âu – Phi, tạo ra một diện mạo địa chính trị mới của thế giới kể từ cuối thế kỷ XIII. Đế chế Ottoman, hay còn gọi là Đế chế Osman hoặc Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc hiệu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại trong suốt một giai đoạn lịch sử kéo dài từ năm 1299 đến năm 1923.

đế chế ottoman
Đế chế Ottoman – niểm tự hào của người Thổ Nhĩ Kỳ

Đế chế Ottoman là một trong những quốc gia lớn nhất và tồn tại lâu nhất trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ và các đánh giá tổng thể cho thấy di sản chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, xung đột và chiến tranh của Đế chế Ottoman cho tới ngày nay vẫn có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Trong các thể kỷ XVI và XVII, Đế chế Ottoman được nhìn nhận là đã đạt tới đỉnh cao quyền lực, đặc biệt là dưới sự trị vì của Sultan Suleiman the Magnificent (1494 – 1566). Trong thời gian này, Đế chế Ottoman đã liên tục mở rộng lãnh thổ và về mặt đối nội cũng đã có nhiều cuộc cải cách lớn, giúp cho nhà nước tăng cường sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự.

Nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ngày nay

Sau giai đoạn phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVI và XVII, Đế chế Ottoman bước vào thời kỳ suy yếu và thu hẹp phạm vi ảnh hưởng trong suốt hai thế kỷ XVIII và XIX tiếp theo đó. Đến đầu thể kỷ XX, Đế chế Ottoman gia nhập Liên minh Trung tâm cùng với Đức, Đế quốc Áo-Hungary, Italia và tham gia Thế chiến I chống lại Phe Hiệp ước với kết quả chịu thất bại trong chiến tranh, tuyên bố đầu hàng vào ngày 30/10/1918. Sau Hiệp định Đình chiến Mudros ký kết năm 1918, các nước phe Hiệp ước tìm cách chia tách lãnh thổ của Ottoman thông qua Hiệp định Sèveres ký kết năm 1920.

mustafa kemal ataturk
Lãnh đạo Ataturk – người khai sinh ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay sau đó, cuộc chiến tranh dành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ ra với sự tập hợp lực lượng của những người dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chống lại việc chia cắt đất nước của phe Hiệp ước thắng trận trong Thế chiến I. Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ tại Anatolia đã phát triển mạnh mẽ và dẫn tới sự ra đời của Hội nghị Đại Quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ (Grand National Assembly – GNA) đặt dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Atatürk. Với những nỗ lực đấu tranh dành độc lập thành công của GNA, Hiệp ước Sèveres bị bãi bỏ và Hiệp ướng Lausanne được ký kết tháng 7 năm 1923 theo đó phe Hiệp ước buộc phải rời khỏi Anatolia và vùng phía Đông Thrace. GNA với trụ sở chính tại Ankara được quốc tế công nhận và ngày 29 tháng 10 năm 1923, GNA đã chính thức tuyên bố sự ra đời của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ mới kế thừa Đế chế Ottoman và chấm dứt sự tồn tại nhiều thế kỷ của Đế chế này.

Leave a Reply